“Bắt mạch” 8+2 sai lầm khi học tiếng Anh giao tiếp

Kinh nghiệm học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả giờ đây có thể tìm thấy thật dễ dàng với cả chục ngàn kết quả. Nhưng vì sao, dù chọn phương pháp nào, bạn cũng vẫn chưa tiến bộ?

Cả chục năm trời bố mẹ cho tiền ăn học, vẫn không thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, tự tin.

Cuối tuần nào cũng miệt mài ra Bờ Hồ chào hỏi, nói chuyện với “Tây”, rốt cục, họ vẫn không hiểu mấy, hoặc mình cũng chỉ hiểu lõm bõm họ nói gì.

Bạn đã từng nghĩ: Chẳng lẽ tiếng Anh không dành cho mình sao, vậy học làm gì nữa cho tốn cơm tốn gạo?

Nhưng, trước khi kết luận một cách đầy tự ti như thế, bạn hãy cùng chúng tôi điểm danh ngay 8+2 sai lầm và cách khắc phục dưới đây.

Ngay cả khi bạn có trong tay Cẩm nang tự học tiếng Anh giao tiếp từ A-Z, thì cũng rất khó thành công nếu mắc phải những sai lầm này. Vô số học viên đã trải qua và nhận được kết quả cực kỳ khả quan trong quá trình học tiếng Anh giao tiếp cơ bản.

[Download]: Hướng dẫn nghe hiểu tiếng Anh chỉ sau 1 tháng, Checklist 3 bước luyện nghe + audio thực hành trực tiếp đang được 115.300 người đang áp dụng thành công. Click để sử dụng ngay

1. Học từ vựng sai cách

Từ vựng chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết.

Sở hữu một kho từ vựng phong phú cũng chính là chìa khóa giúp bạn tự tin hơn, trôi chảy hơn trong giao tiếp tiếng Anh.

Vì lẽ đó, không ít người nghĩ rằng: chỉ cần trau dồi kho từ vựng “khủng” là trình tiếng Anh sẽ lên vù vù.

Họ không biết rằng mình rất dễ rơi vào tình trạng tưởng học được nhiều, chẳng được bao nhiêu. Kho từ vựng có vẻ dồi dào mà đến lúc nói chuyện cứ bay biến hết cả. Vì sao vậy?

  • Tôi đã gặp nhiều học viên rất chịu khó học từ vựng, đặc biệt là những từ vựng khó, hiếm gặp, mang tính “hàn lâm”. Trong khi đó, giao tiếp tiếng Anh cơ bản nói riêng và bất cứ ngôn ngữ nào nói chung, con người luôn dùng từ ngữ chân phương, dễ hiểu và đơn giản để diễn đạt. Vậy thì việc tập trung học từ khó chẳng phải tự làm khó mình hay sao?
  • Lại có những bạn học từ vựng một cách rời rạc, đơn lẻ và cố nhồi nhét càng nhiều càng tốt. Việc này sẽ khiến bạn chỉ chóng quên hơn mà thôi.

*Giải pháp khắc phục

Giao tiếp cơ bản luôn cần có chủ đề, việc học từ vựng cần đáp ứng yêu cầu này. Chỉ có cách học cụm từ, học theo chủ đề mới giúp chúng ta không cần phải cố gắng học thuộc, mà chỉ cần gặp tình huống thực tế là đã có thể phản xạ một cách tự nhiên và chính xác.

Mỗi tuần, bạn hãy chọn cho mình một chủ đề quen thuộc trong đời sống hàng ngày để học. Có thể lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích của bạn để tạo hứng thú nhiều hơn như: chủ đề mua sắm, chủ đề ăn uống (đi chợ, ăn uống tại nhà hàng), kinh doanh, xem phim…

Tuy nhiên, nếu tìm được giảng viên/ người hướng dẫn giàu kinh nghiệm hoặc khóa học giao tiếp nào uy tín, bạn nên dành thời gian để học từ vựng giao tiếp theo bộ chủ đề đã được chọn lọc và sắp xếp một cách khoa học. Có như vậy, khả năng tiếp thu mới nhanh và hiệu quả cao. Đừng quên thực hành ngay khi học xong chủ đề để nắm vững kiến thức nhé.

Bạn cũng nên áp dụng phương pháp mind-map (sơ đồ tư duy) trong quá trình học của mình để “nhớ lâu – hiểu sâu”. Các từ vựng đều có một mối liên hệ với nhau. Với sơ đồ tư duy, bạn sẽ nhận ra rõ ràng mối quan hệ tầng tầng lớp lớp giữa các từ ngữ trong cùng 1 chủ đề; các từ ngữ có thể tìm thấy ở những chủ đề khác nhau; sự liên quan giữa các chủ đề… Học 1 mà có thể biết 4, 5 là vậy!

Cá nhân tôi, công cuộc học tiếng Anh giao tiếp đã được nâng cao đáng kể, từ ngày tôi “đắm chìm” trong các show truyền hình Mỹ. Bạn có thể xem series hài Friends (Những người bạn) để vừa được giải trí, cười bể bụng, lại vừa thu hoạch được vô số từ ngữ hay ho, đơn giản, học cách nói đùa chơi chữ cực thông minh, khám phá lối sống thú vị của người Mỹ nữa đấy!

2. Học ngữ pháp sai cách

2.1. Quá tập trung học ngữ pháp

Học ngữ pháp giỏi thì tốt, nhưng đôi khi điều đó ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp tiếng Anh. Bởi vì chúng vô tình tạo thành rào cản tâm lý khá lớn cho bạn khi trò chuyện. Ngữ pháp tiếng Anh không phải dễ dàng để ghi nhớ.

Trong khi đó, những cuộc trò chuyện trên thực tế lại diễn ra rất nhanh, không có thời gian để chúng ta lẩm nhẩm trong đầu xem đã sắp xếp đúng câu hoàn chỉnh chưa, câu hỏi đuôi, đảo ngữ đã dùng chính xác theo đúng kiến thức được học chưa…

Do vậy, nhiều khi bạn cố xây dựng một câu hoàn chỉnh, thậm chí hơi “hàn lâm” một chút, thì dẫn đến người đối diện khó hiểu và cuộc trò chuyện sẽ trở nên gượng gạo đấy.

2.2. Cho rằng giao tiếp không quan trọng ngữ pháp

Trái lại, không chịu học ngữ pháp cũng là một sai lầm hết sức phổ biến. Nếu không cần ngữ pháp, bạn chẳng khác nào những em nhỏ bán rong, đánh giày nói “tiếng Anh bồi” với du khách, hay thậm chí giống trình độ ngôn ngữ của một em bé 2-3 tuổi, mọi thứ quy về “từ khóa” (mama, papa, pee pee,…).

Nếu muốn giao tiếp tiếng Anh như người bản xứ, chúng ta cần vượt qua thật nhanh giai đoạn phi ngữ pháp ấy, để nói đúng, nói chuẩn, giúp bạn hiểu đúng ý người nói và ngược lại.

  • I am in love with him.
  • I was in love with him.

Bạn thấy không? Chỉ một khác biệt rất nhỏ (am – was), nhưng mối quan hệ của cô gái với “him” đã từ người yêu thành người cũ rồi đó!

*Giải pháp khắc phục

Quá trình học ngữ pháp để giao tiếp tiếng Anh thực sự khó khăn và đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức… nhưng một số phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn có kết quả tiến bộ rõ rệt:

1. Đọc sách, truyện thiếu nhi

Đa số các tác phẩm viết cho thiếu nhi đều khá dễ hiểu, đơn giản với những yếu tố ngữ pháp căn bản, bao gồm các từ thông dụng, chính tả, danh từ số ít và số nhiều, động từ, cách chia dạng động từ và cấu trúc câu đơn giản.

Việc “hấp thụ” một cuốn sách ngữ pháp thì sẽ rất khó nuốt, nhưng một cuốn sách ngộ nghĩnh, ngắn gọn và dễ thương cho trẻ em thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

sai lầm tiếng anh giao tiếp

2. Kết hợp học từ vựng bằng sơ đồ tư duy

Như đã nói, sơ đồ tư duy với tính chất khoa học, lớp lang và logic của nó sẽ là phương pháp hiệu quả để bạn ghi nhớ cả từ vựng và ngữ pháp. Với mỗi từ vựng học được, bạn có thể kết hợp đặt câu về một chủ đề giao tiếp gần gũi hàng ngày để dễ hình dung hơn.

3. Tìm kiếm thật nhiều, chắt lọc thật tinh

Học mà không có khả năng “research” – tự tìm tòi, nghiên cứu thì không bao giờ đạt hiệu quả mong muốn được.

Do đó, hãy chủ động lên mạng tìm những bộ tài liệu uy tín, chất lượng, sưu tầm và tổng hợp các mẫu câu tiếng Anh giao tiếp cơ bản để học hàng ngày.

Qua đó, bạn sẽ không bị động nếu gặp bất cứ chủ đề nào trong đời sống mà người nói đưa ra.

2.3. Sai lầm nhất là chờ đợi!

Một sai lầm trong tư duy rất phổ biến khiến bạn mãi giẫm chân tại chỗ khi học tiếng Anh giao tiếp là: chờ đến lúc mình “giỏi hơn” mới dám ra ngoài giao tiếp. Đây chính là điều mâu thuẫn, bởi bạn đang học để giao tiếp, chứ không phải để cất dành.

Thêm nữa, “học đi đôi với hành”, chứ không phải học xong mới thực hành. Nếu bạn ngại ngùng vì mình học được ít để rồi không thường xuyên luyện nghe – nói, hậu quả thấy rõ nhất là…sẽ quên ngay những gì mình vừa học!

Rồi cũng vì thế mà càng học càng chẳng thấm vào đâu, khi bạn ngại ngùng, ngay cả kỹ năng giao tiếp tiếng mẹ đẻ còn chẳng hoàn thiện nổi, huống hồ một ngoại ngữ khác?

*Giải pháp khắc phục

Mạnh dạn lên. Hôm nay học được 2 câu thì mình nói 2 câu, ngày mai học 5 câu mình nói 5 câu, phải luyện giao tiếp thường xuyên như vậy mới “tích tiểu thành đại”, để dần dà nói trôi chảy, lưu loát cả một chủ đề hoàn chỉnh.

Một blogger đã có nhiều năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài chia sẻ: “Tôi từng gặp nhiều bạn từ các nước khác. Họ nói tiếng Anh bập bẹ nhưng không hề ngại giao tiếp, chữ nào không biết họ dùng ngôn ngữ cơ thể. Họ có thể phát âm không chuẩn nhưng nhưng không sợ sai, thậm chí luôn coi nó là ngôn ngữ của mình và tự tin sử dụng chúng”.

Đúng vậy, ngay cả khi bạn quên, bạn bị “đơ” khi đang giao tiếp tiếng Anh, hãy cứ bình thản dùng ngôn ngữ cơ thể, hoặc huy động các từ ngữ gần nghĩa, đồng nghĩa với từ bạn vừa quên để giải thích cho đối phương.

Việc quên từ là điều quá đỗi bình thường, cả khi chúng ta dùng tiếng Việt, nên đừng trầm trọng hóa để rồi ngại ngần nhé.

2.4. Nói mà không nghe, “ù tai” là cái chắc

Tôi đã từng khá sốc khi lần đầu nghe giọng Anh – Anh, vì thường ngày chỉ nghe giọng Anh – Mỹ. Việc này dẫn đến khi nói chuyện với người Anh gốc, tai tôi ù đi và vốn không phải người giao tiếp tiếng Anh kém, tôi cũng ấp úng và kém tự tin hẳn.

*Giải pháp khắc phục

Điều đó cho thấy rằng, để không bối rối và bị động trong cuộc trò chuyện, bạn cần luyện nghe thật liên tục, thật đa dạng.

Một “mẹo” khá hiệu quả mà tôi từng thử, và thành công, đó là bắt chước lại những câu nói mà mình nghe được từ người nước ngoài, hoặc trong phim, bắt chước đúng từ giọng điệu đến cách phát âm.

Ví dụ: nếu là câu hỏi, tôi sẽ lên cao giọng ở cuối câu một chút. Nếu một câu nói có ý tức giận, tôi cũng sẽ gằn giọng, gầm gừ để xem phát âm từ ngữ có “biến dạng” không. Lỡ sau này có “ông Tây” nào đó mắng mình, mình còn hiểu ông ấy nói gì, chứ gì giận dữ rồi thì lời nói đâu thể tròn vành, rõ chữ như bình thường được, đúng không?

Đó, bạn hãy thử xem sao. Đóng kịch một tẹo đi, đừng ngại, nghe giọng của chính mình khi phát âm, kèm theo cảm xúc, nhờ đó mà lúc giao tiếp cũng thổi hồn cho cuộc trò chuyện lắm.

2.5. Đừng quên, giao tiếp là NÓI – không chỉ có NGHE

Có nhiều bạn vì tính e ngại, sợ sệt mà lấy cớ luyện nghe tiếng Anh để tránh việc ra ngoài luyện nói. Hậu quả từ việc này cũng tương tự như sai lầm số 3, tức là bạn chỉ nạp thông tin (nghe) mà không có đầu ra cho thông tin ấy (nói).

Hơn nữa, luyện nói ít sẽ dẫn đến việc chẳng ai giúp bạn chỉnh sửa được bạn phát âm sai, ngữ pháp sai cả.

Càng lười nói, càng dễ sai, càng ấp úng ngọng nghịu. Càng sai sót, càng lúng túng thì càng ngại nói và trì trệ kỹ năng giao tiếp. Đó chính là một vòng luẩn quẩn.

*Giải pháp khắc phục

sai lầm tiếng anh giao tiếp

Nói. Nói. Nói. Không tìm được “ông Tây” nào nói thì tập luyện ngay với bạn bè, người thân của mình.

Việc quan trọng của bạn bây giờ là thực hành song song 2 kỹ năng giao tiếp, chứ chưa cần chuẩn chỉnh phát âm nên đừng câu nệ việc mình giao tiếp với Tây hay Ta, miễn giao tiếp bằng tiếng Anh là được.

Tôi quen một người bạn, ở nhà hai anh em thường trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Khi đến rạp phim, bạn hỏi em cảm thấy bộ phim thế nào, cậu bé đáp lại rất đơn giản, hầu hết là câu đơn, song trôi chảy và tự tin. Hay khi đi cafe, cậu em có thể hỏi bạn nên gọi đồ uống gì bằng tiếng Anh. Tất cả đều là những chủ đề rất đời thường, giản dị.

[Download]: Hướng dẫn nghe hiểu tiếng Anh chỉ sau 1 tháng, Checklist 3 bước luyện nghe + audio thực hành trực tiếp đang được 115.300 người đang áp dụng thành công. Click để sử dụng ngay

2.6. Ám ảnh bởi việc phải phát âm chuẩn và hay

Học tiếng Anh giao tiếp vốn dĩ đã cần dành nhiều thời gian, công sức lắm rồi, nên bạn nào đang bị ám ảnh bởi phát âm chuẩn Anh, chuẩn Mỹ thì thay đổi cách học ngay đi còn kịp!

Nhất là, bạn đâu chỉ phát âm chưa chuẩn, mà bạn còn… kém cả ngữ pháp lẫn từ vựng nữa cơ!

Vậy tại sao phải ngại ngùng việc mình nói chưa hay, hãy cứ tập trung cải thiện khả năng giao tiếp ĐÚNG trước đã.

*Giải pháp khắc phục

Thực tế, chúng ta chỉ cần phát âm ở mức tiêu chuẩn chứ chưa cần hay.

Các âm cuối quan trọng để phân biệt số ít – số nhiều như “s”, “es”, phân biệt thì (thời) như “d-ed”, “ch-ed”, “t-ed” và TRỌNG ÂM…cần đặc biệt phát âm rõ ràng.

Khi học kỹ năng nói, các bạn nhớ chú ý đến điều này nhé. ĐÚNG là trên hết. ĐÚNG xong rồi mới đến HAY.

2.7. Sai lầm khi tư duy phức tạp: nghe – dịch – dịch – nói

Đến đây mới thấy khổ nè, chúng ta học giao tiếp cũng đủ “nhọc” rồi đó, mà sao bạn phải mất thêm thời gian, tư duy cho việc dịch câu muốn nói từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho cực?

Rõ ràng khi thêm công đoạn dịch, bạn phải xử lý tư duy ở cả 2 ngôn ngữ, chắc chắn khi đó lời nói sẽ bị chậm lại, ngập ngừng, mắc chỗ này, kẹt chỗ kia. Cứ thế mà lúng túng như gà mắc tóc thôi.

*Giải pháp khắc phục

Giải pháp chẳng có gì cao siêu ngoài việc: Học thật tốt từ vựng và ngữ pháp. Và nhất định phải ứng dụng, thực hành nữa.

Khi bạn cảm thấy tự tin hơn với vốn từ vựng của mình, bạn luyện nghe – nói thường xuyên, não bộ đã có thể gọi tên các sự vật bằng tiếng Anh. Đừng dừng lại, hãy tăng dần độ phức tạp của tư duy bằng cách tạo ra các cụm từ hoặc câu hoàn chỉnh và miêu tả những gì diễn ra xung quanh. Cứ bình thản và kiên trì nếu lần một, lần hai bạn đặt câu sai ngữ pháp.

Bạn luôn luôn có thể làm đi làm lại một câu nhiều lần và tự điều chỉnh mình để hoàn thiện hơn. Điều quan trọng nhất vẫn là thực hành và phát triển thói quen tư duy bằng tiếng Anh.

Bước tiếp theo, tập tư duy với những nội dung dài hơn.

Như cậu em của bạn tôi nêu cảm nghĩ về bộ phim mới xem, như cậu bạn tôi giới thiệu cho em mình đồ uống ưa thích, như tôi tự nghĩ ra những câu hội thoại với “50 sắc thái” cảm xúc để nghe phát âm của chính mình…

Cách này giúp bạn củng cố nhiều từ vựng đã học, đồng thời rèn luyện đa dạng các cấu trúc ngữ pháp hơn.

Để hình thành thói quen tư duy bằng tiếng Anh, nhớ là phải thoát ra khỏi môi trường an toàn của việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, và biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống của mình.

Bạn muốn giao tiếp tiếng Anh thành thạo như người bản xứ, thì cần tư duy như người bản xứ vậy.

Cảm giác ban đầu chắc chắn là khó chịu, nhưng một khi đã vượt qua, bạn sẽ sung sướng khi thấy tư duy mạch lạc sẽ dẫn đến giao tiếp trôi chảy thế nào!

2.8. Sai lầm trong quan niệm: Cứ ở môi trường Tây là tự giỏi tiếng Anh

Không hiểu từ đâu mà các học sinh, phụ huynh của các em nữa, đều cho rằng sống ở môi trường nước ngoài sẽ nhanh chóng giao tiếp được như người bản xứ.

Chuyện có thật, cậu bạn tôi – một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Cậu sang Australia định cư, sau 3 tháng nói rằng: “Học ngữ pháp làm gì? Sang Tây mấy tháng là nói tiếng Anh như gió ấy chứ”. Tôi đã nói thẳng với cậu ấy, điều đó hoàn toàn sai.

Thực tế là khi ra nước ngoài, với khả năng giao tiếp nghèo nàn và thái độ tự ti, ngại ngùng vốn có, bạn sẽ có xu hướng tìm đến giao lưu với cộng đồng đồng hương nhiều hơn là với người bản xứ.

Nếu bạn bán hàng, rửa bát đĩa, làm phục vụ…để kiếm sống, thì cũng một vài câu nói đó bạn nói suốt ngày, khách hàng cũng không ai rảnh để “tám chuyện”, sửa sai cho bạn.

Ngay tại Việt Nam cũng không thiếu môi trường Tây để học viên trải nghiệm.

Ta có thể tìm kiếm & kết bạn qua internet, trò chuyện qua Skype với những người bạn nước ngoài; tối cuối tuần ta có thể dạo chơi phố đi bộ và tiếp xúc được với vô số khách du lịch;…

Cơ hội để gặp gỡ, trò chuyện với người Tây luôn luôn có nhiều, nhưng bạn sẽ không thể cải thiện khả năng giao tiếp nếu vẫn nhầm tưởng, học sai cách và ngại thực hành.

*Giải pháp khắc phục

Không môi trường Tây nào “tự rơi xuống” với bạn đâu, nên hãy cố gắng chủ động tạo cơ hội giao tiếp với người nước ngoài nhé.

Chúng ta có thể kết bạn qua internet, tiếp xúc trực tiếp khi đi chơi – đi du lịch, thậm chí tự tạo ra môi trường chỉ – nói – tiếng – Anh với những người thân, người bạn của mình để vừa giao tiếp, vừa sửa lỗi giúp nhau tiến bộ.

Đừng qua quýt với việc học tiếng Anh giao tiếp khi bạn còn có cơ hội nơi quê nhà. Hãy cố gắng lưu loát, trôi chảy ngay khi chưa sang nước ngoài, chứ đừng đợi qua Tây mới giỏi. Vì giao tiếp tốt tiếng Anh không chỉ giúp bạn có tấm bằng IELTS, mà còn là nền tảng để bạn có cuộc sống thuận lợi phương trời mới.

Ngoài 8 lý do cụ thể nêu trên, tôi muốn bổ sung thêm vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng hầu như ai cũng mắc phải khi học tiếng Anh giao tiếp.

2.9. Không đặt mục tiêu hoặc đặt ra mục tiêu không thực tế

Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian mới tốt nghiệp Đại học, khi ấy các sinh viên đồng trang lứa đua nhau học IELTS. Tôi cũng theo “trào lưu” đó mà không hề có mục tiêu đi du học hay xin việc vào công ty nước ngoài nào cả.

Lại cũng có nhiều bạn của tôi, khả năng học tiếng Anh hạn chế, muốn thi vào các công ty nước ngoài nên đăng ký những khóa học cấp tốc đủ cả 4 kỹ năng nhằm…“lên trình thật nhanh” chỉ trong vài tháng!

Việc không có mục tiêu, hoặc đặt mục tiêu không thực tế chắc chắn sẽ khiến chúng ta tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian và công sức.

*Giải pháp

Làm rõ mục tiêu tốt nhất bằng cách viết ra câu trả lời 3 câu hỏi: Bạn muốn có gì? Bạn muốn hoàn thành những gì? Bạn muốn trải nghiệm những gì?

Trước tiên, bạn cần đánh giá khả năng của mình trước (về trình độ, thời gian, điều kiện tài chính…) rồi xác định mục tiêu sao cho phù hợp.

Rất nhiều khóa học kém uy tín trên mạng chào mời những cột mốc, mục tiêu đầy hấp dẫn nhưng “không tưởng”.

Hãy chủ động xác định bản thân, xác lập mục tiêu rõ ràng để không “sa chân” vào những khóa học kiểu này.

Mục tiêu nào cũng cần có cơ sở vững chắc, có phương pháp rõ ràng và bài bản mới đạt được, vì thế, nếu bạn chọn một khóa học để nâng cao kỹ năng, cần tìm hiểu cẩn thận nền tảng phương pháp của họ để đánh giá độ tin cậy, tính khả thi đến đâu.

2.10. Không có động lực duy trì, học ngắt quãng

Sai lầm thứ 10 này chính là hệ quả của thứ 9, một khi không xác định mục tiêu, hoặc đặt ra mục tiêu không phù hợp với năng lực, bạn sẽ cạn dần động lực học tập, việc thực hành cũng trở nên nhát gừng, thưa thớt.

*Giải pháp

Như ai đó từng nói: “Mỗi khi bạn muốn từ bỏ, hãy nhớ lại lý do bạn đã bắt đầu”.

Lý do ấy, mục tiêu ấy là gì? Là học tiếng Anh giao tiếp để tu nghiệp nước ngoài? Để định cư miền đất hứa? Để xuất khẩu lao động suôn sẻ…hay thậm chí là lấy chồng/ vợ Tây?

Tất cả các lý do đều hợp lý nếu đó là mục tiêu bạn kiên định hướng đến!

Đừng quên tâm niệm nhắc nhở bản thân mỗi ngày: Học tiếng Anh rất khó khăn, nhưng nếu không học, thì công việc, sự nghiệp hay cuộc sống của bạn có thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Mọi sự kiên trì, nỗ lực và đầu tư có suy tính sẽ luôn đem lại kết quả tốt đẹp.

Để nhớ lâu và kiên định với mục tiêu của mình hơn, bạn hãy tận dụng triệt để chức năng của smartphone: tạo note ghi chú và đặt lịch nhắc nhở hàng ngày.

Hãy đặt việc học tiếng Anh giao tiếp vào thời gian biểu hàng ngày của bạn, coi đó là một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.

Chỉ khi biến việc này thành một “lối sống”, mang tính “routine”, bạn mới dễ dàng thực hiện nó mà không phải quá gồng mình tìm kiếm động lực.

Lời kết

Trên đây, chúng tôi đã “bắt mạch” những sai lầm tiêu biểu mà nếu bạn khắc phục được, chắc chắn kỹ năng giao tiếp sẽ trôi chảy như dòng sông được xẻ núi khơi thông. Đừng quên rằng, sự chủ động học tập là yếu tố thành công tiên quyết.

Nhưng quan trọng không kém: một khóa học uy tín, với phương pháp giảng dạy được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học sẽ là điều kiện đủ để bạn chẳng những đẩy nhanh quá trình, còn tăng động lực và chất lượng học tập nữa.

Bắt tay vào chinh phục tiếng Anh giao tiếp cơ bản ngay, và đừng ngại chia sẻ bài viết này tới những ai vẫn đang loay hoay trong một phương pháp học sai lầm nhé.

[Download]: Hướng dẫn nghe hiểu tiếng Anh chỉ sau 1 tháng, Checklist 3 bước luyện nghe + audio thực hành trực tiếp đang được 115.300 người đang áp dụng thành công. Click để sử dụng ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *